SaaS (Software as a Service – phần mềm dịch vụ) sẽ trở thành trào lưu, được các doanh nghiệp mọi quy mô trên thế giới ưa chuộng. Theo khảo sát của BetterCloud, đến năm 2020, 73% doanh nghiệp sẽ chuyển sang dùng SaaS hoàn toàn. Trong khi xu hướng SaaS đang dẫn đầu lĩnh vực B2B Tech trên thế giới, thì SaaS vẫn còn là thuật ngữ khá mới mẻ ở Việt Nam.

SaaS là gì?

SaaS là viết tắt của Software as a Service – Phần mềm dạng một Dịch vụ. SaaS là một mô hình phân phối dành cho phần mềm, theo đó thay vì tải xuống phần mềm để chạy cục bộ trên PC của bạn, chương trình được lưu trữ bởi nhà cung cấp bên thứ ba và sau đó được truy cập bởi người dùng qua internet, chương trình thường được thông qua một giao diện trình duyệt web.

SaaS là một trong số các mô hình điện toán đám mây, các mô hình điện toán đám mây khác bao gồm Cơ sở hạ tầng như một Dịch vụ (IaaS) và Nền tảng dưới dạng Dịch vụ (PaaS). SaaS vẫn được sử dụng cho các công việc thường ngày, kể cả khi nhiều người không hề quen thuộc với thuật ngữ này. SaaS thường được bán thông qua một mô hình License/Subscription.

Ưu điểm của SaaS

SaaS đã trở thành nền tảng rất được ưa chuộng vì nó có nhiều lợi thế sẵn có bao gồm:

  • Khả năng Update: Với việc phần mềm lưu trữ trên máy chủ, nâng cấp được diễn ra một cách tập trung, trái với mô hình truyền thống, khi đó phần mềm sẽ cần phải được nâng cấp trên mỗi máy riêng lẻ. Nói cách khác, SaaS có thể dễ dàng được bảo trì với phiên bản phần mềm mới nhất bất cứ khi nào.
  • Phần cứng: Với phần mềm chạy trên máy chủ, các máy tính cá nhân không cần phải thực hiện nâng cấp phần cứng và việc không đáp ứng các thông số kỹ thuật tối thiểu cũng không gây bất kỳ trở ngại nào.
  • Chi phí: Với mô hình đăng ký, chi phí mua lại (trả trước) của doanh nghiệp thường được hạ xuống. Ngoài ra, có thể thực hiện thêm người dùng khi cần thiết giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng theo yêu cầu.
  • Triển khai nhanh: Vì phần mềm không cần phải được cài đặt và cấu hình trên các máy riêng lẻ, việc triển khai với SaaS trở nên nhanh hơn nhiều.
  • Khả năng truy cập: Nhận quyền truy cập vào các ứng dụng SaaS chỉ cần có trình duyệt và kết nối internet, cho phép người dùng có thể đăng nhập từ bất kỳ đâu. Ngoài ra, dữ liệu của người dùng được lưu trữ trên đám mây chứ không nằm trên PC của người dùng cá nhân do đó hỗ trợ khả năng cộng tác, chia sẻ công việc với những người dùng khác.

70% doanh nghiệp trên thế giới sử dụng SaaS, doanh nghiệp Việt vẫn mới mẻ

Theo ông Phạm Kim Hùng CEO&Founder Base.vn, việc xây dựng phần mềm trong doanh nghiệp là một bài toán vô cùng phức tạp. Công việc này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sát về các nghiệp vụ doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến trải nghiệm của người dùng cuối là những người trực tiếp sử dụng phần mềm hàng ngày. Điều này trở thành rào cản trong việc tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp. Con số sử dụng phần mềm tại Việt Nam chỉ ở mức 5%, thấp hơn hàng chục lần so với thế giới.

Cùng với sự phát triển của công nghệ đám mây, phần mềm doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch. Các sản phẩm đi từ hình thức cài đặt máy tính (SaaP – Software as a Product) được chuyển lên nền tảng đám mây (SaaS – Software as a Service), hình thức mà đến nay được sử dụng bởi hơn 70% doanh nghiệp trên thế giới ở mọi quy mô.

So với SaaP, SaaS vượt trội hơn hẳn ở 4 điểm: người dùng truy cập được ở mọi nơi, mọi thiết bị; có thể nâng cấp linh hoạt theo sự nhu cầu của doanh nghiệp; người dùng cộng tác với nhau trên cùng một môi trường và quy trình triển khai dễ dàng nhanh chóng. Theo lời ông Dirk van Quaquebeke là đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm BEENEXT phát biểu tại chương trình, SaaS được cả các doanh nghiệp SMEs và MNCs sử dụng và đã tăng số lượng người dùng tại Đông Nam Á lên 360% chỉ trong vòng 1 năm vừa qua.

Cũng theo ông Hùng, bản thân trong ngành SaaS những năm gần đây cũng đã có sự dịch chuyển. Xuất phát từ nhu cầu giải quyết trọn vẹn từng bài toán chuyên môn, các phần mềm SaaS cũng chuyển hướng từ phần mềm all-in-one (phần mềm tổng thể, một phần mềm xử lý tất cả các bài toán) sang phần mềm chuyên biệt hóa. Đây là một bước tiến đột phá thay thế cho hệ thống ERP cồng kềnh truyền thống.